Mang giày cao gót thường xuyên không tốt nhưng dùng mãi các đôi giày, dép bệt cũng có thể gặp phải một số vấn đề về tĩnh mạch và xương khớp
Bước vào tuổi 30, chị Ng.Tr.T.A bắt đầu cảm thấy khó chịu vì những dấu vết giãn tĩnh mạch lộ rõ ở gần mắt cá chân, đồng thời hiện tượng đau mỏi cột sống cũng xuất hiện nhiều hơn thời trẻ.
Hãy xem lại giày
Tham khảo sách báo, chị A. mới biết việc mang giày cao gót thường xuyên của mình đã dẫn đến 2 vấn đề nêu trên. Từ đó, chị quyết định sắm về mấy đôi giày búp bê. Hơn nửa năm sau, mớ giày búp bê được chị chụp hình lại, đăng Facebook kèm lời than: “Vẫn đau chân, đau lưng. Bác sĩ bảo tại mấy đôi giày này!”.
Từ lâu, nhiều chị em đã biết rằng những đôi giày cao gót ít nhiều là nguyên nhân của các chứng đau lưng, đau chân, đau đầu gối, chuột rút hay hàng loạt đường tĩnh mạch xanh kém thẩm mỹ. Tuy nhiên, các đôi giày bệt như giày ba lê, giày búp bê hay với nam giới là các đôi giày lười có mặt trong đế phẳng hoàn toàn, dép xỏ ngón... cũng gây hại không kém cho đôi chân và cột sống.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP HCM, giày có gót cao khoảng 3-4 cm là lý tưởng nhất đối với những ai muốn dự phòng bệnh lý tĩnh mạch chi dưới hoặc người đã bắt đầu mang bệnh muốn làm chậm diễn biến và hạn chế cảm giác khó chịu. Bởi lẽ, giày có gót quá cao hay quá thấp cũng đều không tạo ra đủ áp lực giúp lưu hồi tĩnh mạch tốt.
Trong một bài báo khoa học, chuyên gia vật lý trị liệu Laura Harman, thành viên Hội Vật lý trị liệu HCPC & Chartered (Anh), khuyên rằng có nhiều vấn đề bạn phải nghĩ đến nếu muốn thoát khỏi chứng đau lưng, chân... Một trong số đó là hãy xem lại đôi giày bệt mà bạn đang đi. “Giày cao gót tác động xấu đến lưng và đầu gối nhưng giày bệt hoàn toàn cũng có thể khiến bạn bị đau lưng, nhất là khi bạn có lòng bàn chân quá phẳng” - bà Harman cho biết.
Tránh xa giày gây đau chân
Bà Harman còn chỉ ra dạng giày có mặt trong đế phẳng hoàn toàn như giày ba lê hay các đôi dép xỏ ngón có thể dẫn đến sự căng thẳng ở vùng đầu gối, hông và lưng dưới. Bởi lẽ, các loại giày này thường không được chêm vòm như phần lớn những loại giày thể thao, giày tây và lúc đi bộ, bàn chân thường sẽ cuộn vào trong, tạo áp lực lên đầu gối, hông và lưng dưới.
TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng
TP HCM, khuyến cáo: Một đôi giày tốt cho sức khỏe cần có những phần đệm lót phù hợp ở vòm chân, có gót một chút nhằm tạo độ dốc vừa phải để trọng lượng được phân bổ hợp lý, vừa vặn với chân và được cố định chắc chắn lên bàn chân. Vì thế, một số người đi dép xỏ ngón bị đau do phần giữa các ngón chân phải chịu lực bất thường, đi guốc có phần gót không cố định vào chân khi bước đi cũng dễ đau, mỏi. Nếu mang giày không phù hợp mà phải di chuyển nhiều thì chuyện đau lưng, đau đầu gối hay các điểm trên bàn chân là khó tránh. Do vậy, không chỉ nên sắm loại giày phù hợp khi tập thể thao mà còn cần chọn cho mình một đôi giày ôm vừa vặn lấy đôi chân lúc đi chơi, đi làm, đi dạo... Ngoài ra, đôi giày cũng cần có độ vững chắc cần thiết khi bước đi, nếu không sẽ dễ dẫn đến những tư thế xấu, từ đó gây đau, mỏi.
Nếu làm một công việc cần di chuyển nhiều hay đang chuẩn bị cho một chuyến đi chơi xa, loại giày có thiết kế mũi giúp các ngón chân thoải mái, độ bao phủ vừa đủ hoặc sandal chắc chắn và có quai hậu được đa số chuyên gia khuyên dùng. Cần tránh xa những đôi giày gây đau chân khi đi bộ. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng các bệnh lý tĩnh mạch, đau chân, đau đầu gối, nhức mỏi bàn chân... có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải chỉ tại đôi giày. Tốt nhất, khi gặp các bệnh lý khó chịu này thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét